Tiểu cầu là loại tế bào đóng vai trò quan trọng trong quá trình cầm đông máu. Vậy chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu? Hãy cùng chúng tôi tìm lời giải ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về tiểu cầu
Máu trong cơ thể người được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có tiểu cầu. Đây là thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình cầm đông máu. Thực chất tiểu cầu là một mảnh tế bào được sinh ra từ tế bào gốc tạo máu, nó trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.
Tiểu cầu đóng vai trò trong giai đoạn cầm máu ban đầu khi thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu sẽ tập trung tại vết thương, hoạt hóa, phóng thích chất trong các hạt chức năng cùng biến đổi hình dạng để kết dính lại với nhau, nhằm tạo nút tiểu cầu ngăn chặn quá trình máu thoát khỏi lòng mạch.
Hình dạng của tiểu cầu là hình đĩa, có đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu khoảng 2 – 3 μm, dày khoảng 0,5 μm. Màng tiểu cầu là màng phospholipid kép chứa nhiều thụ thể bề mặt. Bên trong bào tương có các hạt chứa những chất liên quan đến quá trình ngưng tập tiểu cầu và đông cầm máu, bên cạnh đó còn sản xuất các yếu tố kích thích tăng trưởng. Tiểu cầu trong máu có đời sống thường từ 7 – 10 ngày.
Đọc thêm: Chỉ số oxy trong máu và các tình trạng liên quan sức khỏe
Chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu?
Số lượng tiểu cầu trong máu thường đo bằng chỉ số PLT viết tắt tiếng Anh của Platelet Count. Tiểu cầu sống trong cơ thể khoảng 10 ngày, bởi vậy các tủy xương liên tục tạo ra hàng triệu tiểu cầu mỗi ngày.
Vậy chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu? Chỉ số tiểu cầu bình thường dao động 150.000 – 400.000 tiểu cầu/μl máu (1 μl = 1 mm3), chỉ số trung bình là 200.000 tiểu cầu/μl máu. Hiểu đơn giản mỗi lít máu sẽ chứa từ 150 đến 400 tỷ tế bào tiểu cầu.
Xem thêm: Chỉ số lympho cao là dấu hiệu của bệnh lý gì?
Số lượng tiểu cầu bất thường cảnh báo điều gì?
Từ thông tin bên trên các bạn đã nắm được chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu. Như vậy bất cứ sự thay đổi về số lượng tiểu cầu đều có thể nó đang cảnh báo tình trạng bất thường về máu và sức khỏe.
Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không?
Mức tiểu cầu bình thường là phải trên 150.000/μl máu, khi có ít hơn 150.000/μl máu được gọi là tiểu cầu thấp hay giảm tiểu cầu.
Số lượng tiểu cầu nếu dưới 50.000/μl máu thì nguy cơ chảy máu sẽ cao hơn, gây nguy hiềm cho người bệnh. Nếu lượng tiểu cầu thấp hơn 20.000/μl máu được gọi là giảm tiểu cầu nghiêm trọng, điều này đồng nghĩa tăng nguy cơ xuất huyết nhiều, máu sẽ chảy quá mức.
Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người bệnh giảm tiểu cầu như:
- Do phương pháp điều trị ung thư, như hóa trị, xạ trị vào vùng chậu hoặc vùng lớn tủy xương.
- Do bệnh ung thư, như bệnh bạch cầu, ung thư hạch.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Do mắc bệnh gan.
- Do uống nhiều rượu bia.
- Mắc hội chứng urê huyết tán huyết (một căn bệnh phá hủy tiểu cầu).
- Giảm tiểu cầu do miễn dịch.
- Chảy máu nhiều sau chấn thương.
- Bị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
- Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.
- Giảm tiểu cầu trong thai kỳ.
Các triệu chứng khi giảm tiểu cầu
Nhiều trường hợp giảm tiểu cầu không gây ran guy hiểm. Song nếu tình trạng kéo dài và người bệnh có những triệu chứng, biểu hiện của tình trạng xuất huyết cụ thể:
- Xuất hiện các vết bầm tím, các chấm trên da, niêm mạc không rõ nguyên nhân.
- Các vết thương thường khó hoặc không cầm được máu.
- Thường bị chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Bị kinh nguyệt kéo dài (rong kinh), rong huyết, băng kinh,…
Khi có các biểu hiện như trên người bệnh cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế và làm xét nghiệm tiểu cầu.
Tăng tiểu cầu có sao không?
Tăng tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu cao hơn mức bình thường. Điều này có nghĩa cơ thể bạn tạo quá nhiều tiểu cầu. Cụ thể có những bệnh lý liên quan đến tiểu cầu như:
- Tăng tiểu cầu nguyên phát: Là tình trạng rối loạn tăng sinh tủy mạn tính, do sự bất thường của tế bào gốc trong xương. Triệu chứng người bệnh thường hay đau đầu, chảy máu, lách to, hay thiếu máu cục bộ,…
- Tăng tiểu cầu thứ phát: Đây là tình trạng phổ biên nguyên nhân là do các bệnh lý nghiêm trọng hoặc một tình trạng khác gây kích thích quá trình sản xuất tạo nhiều tiểu cầu như nhiễm trùng, viêm, ung thư, phản ứng với thuốc hay cắt bỏ lá lách,… (tăng tiểu cầu thứ phát).
Các giải pháp phòng bệnh liên quan đến tiểu cầu:
- Duy trì lối sống lành mạnh, thể dục thể thao điều độ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Ăn uống đủ chất.
- Hạn chế hoặc tránh những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Với người đang điều trị giảm tiểu cầu nên có chế độ ăn tăng cường vitamin C, vitamin A, B12, Omega-3,… và hạn chế các hoạt động gây vết thương cho cơ thể.
Trên đây là những chia sẻ giải đáp thắc mắc chỉ số tiểu cầu bình thường là bao nhiêu cùng những vấn đề liên quan khác. Mong rằng bài viết hữu ích giúp các bạn hiểu và theo dõi sức khỏe tốt nhất. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.