Trong kết quả xét nghiệm sinh hóa, ngoài chỉ số Cholesterol toàn phần còn các chỉ số khác như LDL, HDL. Vậy chỉ số LDL là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chỉ số này.
Chỉ số LDL là gì?
Trong kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, các chỉ số có liên quan tới cholesterol bao gồm:
- Cholesterol toàn phần: giá trị bình thường là < 200 mg/dL.
- LDL: lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp và giá trị tối ưu là dưới 100 mg/dL.
- HDL: lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao và giá trị tối ưu là > 60 mg/dL.
Hai chỉ số LDL và HDL là thành phần chung cấu tạo nên lượng cholesterol trong cơ thể. Hai chỉ số này được coi là hai dạng cholesterol đối nghịch nhau vì LDL là “cholesterol xấu” trong khi HDL lại được coi là “cholesterol tốt”.
Trong đó, LDL là viết tắt của Low density lipoprotein cholesterol. Đây là Lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp có chức năng vận chuyển Cholesterol từ máu đến các mô để sử dụng. Khi nồng độ LDL trong máu tăng cao sẽ là dấu hiệu dự báo nguy cơ xơ vữa động mạch và dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng về tim mạch, đặc biệt là bệnh lý mạch vành.
Những điều cần biết về chỉ số LDL là gì?
Xem thêm: Mục tiêu và nguyên tắc đánh giá chỉ số DDCI là gì?
Chỉ số an toàn khi xét nghiệm LDL là gì ?
LDL là “cholesterol xấu”, do đó giá trị của LDL trên kết quả xét nghiệm sinh hóa máu càng thấp càng tốt. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà mức LDL ổn định sẽ có sự khác nhau nhất định:
- Trẻ em: Mức LDL thường thấp hơn so với người lớn, giá trị LDL tốt nhất nên nhỏ hơn 2,9mmol/L. Khi nồng độ LDL trên 3,3 mmol/L thì được coi là cao đối với nhóm đối tượng này và cần phải có biện pháp phù hợp để điều chỉnh ngay.
- Người lớn và người trưởng thành: Mức giá trị an toàn của chỉ số LDL là dưới 3,4mmol/L. Nếu chỉ số này vượt quá mức 4,1 mmol/L thì tức là đang có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hoặc bệnh huyết áp.
Khi nào cần xét nghiệm định lượng LDL Cholesterol?
Xét nghiệm máu có thể giúp định lượng cholesterol toàn phần bao gồm cả LDL cholesterol. Thời điểm và số lần làm xét nghiệm LDL sẽ do bác sĩ khuyến cáo dựa trên độ tuổi, yếu tố nguy cơ… Bên cạnh đó, đối gia đình có tiền sử mỡ máu cao, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cũng cần làm xét nghiệm định lượng LDL Cholesterol hơn so với những bệnh nhân có tiền sử gia đình không mắc phải những bệnh lý này.
Đặc biệt, những người bệnh cao huyết áp hay béo phì khi thăm khám hay kiểm tra khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ cũng sẽ cần lưu ý hơn về chỉ số cholesterol trong cơ thể, nhất là LDL cholesterol. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho người bệnh về chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý giúp giảm lượng LDL cholesterol trong máu, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Những điều cần biết về chỉ số LDL là gì?
Xem thêm: Tìm hiểu ý nghĩa của chỉ số EOS trong máu là gì?
Các yếu tố làm tăng LDL Cholesterol
LDL cholesterol tăng do các yếu tố:
- Cân nặng: Những người thừa cân có xu hướng tăng lượng LDL, giảm lượng HDL và tăng cholesterol toàn phần.
- Gen: Bộ gen cũng phần nào quyết định lượng cholesterol mà cơ thể tạo ra. Do đó, mỡ máu cao thường di truyền từ đời này sang đời khác. Ví dụ: bệnh tăng cholesterol trong máu do di truyền là một dạng bệnh tăng mỡ máu di truyền.
- Tuổi và giới tính: Khi phụ nữ và đàn ông già đi, lượng cholesterol sẽ tăng lên. Trước tuổi mãn kinh, phụ nữ có lượng LDL thấp hơn nam giới cùng độ tuổi. Tuy nhiên, ở giai đoạn hậu mãn kinh, LDL ở nữ có xu hướng tăng lên.
- Chế độ ăn: Chất béo bão hòa và cholesterol trong thức ăn nạp vào làm tăng lượng cholesterol trong máu.
- Hoạt động thể lực: Việc ít hoạt động thể lực làm tăng cân và cũng dẫn đến tăng lượng cholesterol.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm lượng HDL. Vì HDL giúp đẩy LDL ra khỏi động mạch, việc thiếu hụt HDL sẽ góp phần làm tăng lượng LDL.
- Thuốc: Một số loại thuốc bao gồm steroid, thuốc huyết áp và thuốc điều trị HIV/AIDS… có thể làm tăng lượng LDL cholesterol trong máu.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Các bệnh thận mạn tính, đái tháo đường và HIV/ AIDS khiến lượng LDL cholesterol cũng tăng cao.
Cách để đạt chỉ số an toàn khi xét nghiệm LDL
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá trị LDL trong máu. Do đó, để duy trì được chỉ số LDL an toàn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
Chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống được coi là yếu tố quan trọng nhất có thể giúp duy trì sự ổn định của chỉ số LDL. Một số loại thực phẩm được khuyên dùng như cá, thịt nạc, rau củ, trái cây, sữa không đường, ngũ cốc, các loại dầu thực vật không bão hòa…
Bên cạnh đó, những loại đồ ăn mà người bệnh nên hạn chế tránh làm chỉ số LDL tăng cao như sữa béo, mỡ động vật, hay nội tạng của động vật… Đặc biệt là các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn.
Chế độ luyện tập thể dục hợp lý
Bên cạnh chế độ ăn uống, việc rèn luyện thể thao thường xuyên không chỉ tốt cho chỉ số LDL mà còn có ích cho sức khỏe nói chung. Mỗi người nên dành ra 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục. Việc đều đặn luyện tập với cường độ ổn định sẽ giúp cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt nhất, từ đó đẩy lùi và ngăn chặn được bệnh tật.
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Việc loại bỏ những thói quen xấu chính là một trong những yếu tố giúp cải thiện sức khỏe và duy trì chỉ số LDL an toàn.. Những thói quen như uống rượu bia, hút thuốc lá,… đều cần giảm và tuyệt đối không đụng đến.
- Không uống rượu bia sẽ giúp cho chỉ số LDL giảm ở mức ổn định nhất.
- Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp giảm được hiện tượng xơ vữa động mạnh, đồng thời bảo vệ phổi tốt hơn.
- Có chế độ giảm cân nếu thừa cân để giúp cân bằng chỉ số LDL đúng giới hạn tối ưu tốt nhất.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được chỉ số LDL là gì và các biện pháp để giúp duy trì chỉ số này luôn ở ngưỡng an toàn.